Nấm Candida đường sinh dục là bệnh phổ biến ở cả nam giới và nữ giới, trong đó thường gặp ở nữ giới hơn. Nấm Candida không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng và nguy hiểm hơn còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và cả tính mạng của người mắc phải nữa.
Dưới góc nhìn và kinh nghiệm của một người dược sĩ, tôi xin chia sẻ tới mọi người những vấn đề liên quan đến bệnh nấm Candida đường sinh dục như nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh nấm Candida sinh dục. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bệnh nấm Candida đường sinh dục là gì?
Nấm sinh dục là bệnh do bào tử nấm Candida albicans gây ra. Đây là bệnh thường gặp, so với các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục thì bệnh chiếm tỉ lệ cao hơn lậu, chlamydia, trùng roi sinh dục, …
Nguyên nhân gây bệnh nấm Candida đường sinh dục
Bệnh nấm Candida có thể lây truyền theo nhiều đường khác nhau như:
- Quan hệ tình dục không an toàn với người mang bệnh qua âm đạo, hậu môn hay miệng.
- Dùng chung khăn, quần lót hoặc các công cụ trợ dâm với người mang bệnh.
Triệu chứng bệnh nấm Candida đường sinh dục
Bệnh nấm Candida đường sinh dục phổ biến ở nữ giới, nam giới cũng có thể bị nhiễm nhưng triệu chứng sẽ ít nghiêm trọng hơn.
Nữ giới
- Ngứa âm đạo và những vùng xung quanh.
- Khí hư ra nhiều có màu trắng đục, thường đặc và có mùi như men rượu.
- Sưng và đỏ vùng âm đạo và hậu môn.
- Đau rát và cảm giác khó chịu khi quan hệ tình dục.
- Tiểu buốt và đau.
Nam giới
- Ngứa, nóng rát dưới vùng bao quy đầu hoặc đầu của dương vật.
- Xuất hiện các mảng màu đỏ dưới bao quy đầu hoặc đầu của dương vật.
- Bao quy đầu sưng lên và khó co giãn gây cảm giác đau.
- Dưới bao quy đầu thường tích tụ các cặn bẩn màu trắng đục, đặc.
- Tiểu buốt và khó chịu.
Bệnh nấm Candida đường sinh dục có nguy hiểm không?
Nếu nhiễm nấm sinh dục đơn thuần do thay đổi môi trường pH âm đạo nhất thời (dùng thuốc đặt âm đạo không đúng, dùng corticoid…) thì nấm đường sinh dục thường không gây biến chứng gì nguy hiểm hay đặc biệt.
Nhưng, nếu bạn để bệnh nặng kéo dài hay thường xuyên tái phát, bệnh sẽ ảnh hưởng tới các cơ quan sinh sản lân cận như cổ tử cung, tử cung, vòi trứng và buồng trứng…từ đó ảnh hưởng tới chức năng sinh sản.
Trong những trường hợp suy giảm miễn dịch kéo dài, đặc biệt là khi nhiễm HIV/AIDS thì nấm sinh dục có thể lan rộng, kèm theo nấm thực quản, nấm họng, nấm phổi và nguy hiểm nhất là tình trạng nhiễm trùng máu do nấm, có thể gây nguy hiểm tính mạng và gây tử vong.
Cách điều trị nấm Candida sinh dục hiệu quả
Khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh nấm Candida đường sinh dục, bạn hãy đến các trung tâm y tế xét nghiệm để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất.
Hiện nay, để điều trị bệnh, bác sĩ thường cho sử dụng thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống toàn thân kết hợp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời người bệnh cần thường xuyên vệ sinh cá nhân đúng cách.
Với nữ giới, thông thường, khi xác định bệnh nhân bị nhiễm Candida âm đạo, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc fluconazole uống kết hợp với thuốc đặt âm đạo như miconazole, đặt thuốc trước khi đi ngủ.
Đối với nam, thường không cần điều trị vì bệnh có thể tự khỏi, tuy nhiên, nếu bị viêm quy đầu thì có thể bôi các kem chống nấm như ketoconazole, clotrimazole. Đối với những trường hợp hay tái phát, cần dùng thuốc dự phòng từng đợt để phòng sự nhiễm bệnh những đợt tiếp theo.
Các thuốc chống nấm sử dụng toàn thân và tại chỗ hiện nay chủ yếu là nhóm nystatin, ketoconazole, fluconazole hay itraconazol. Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc này trong các trường hợp tái diễn phải dùng thuốc nhiều lần thì người bệnh cần chú ý theo dõi các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc như: buồn nôn, nôn, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, chảy máu tiêu hóa; thiểu năng tuyến thượng thận, gây chứng vú to ở nam giới và giảm tình dục; có thể gặp nhức đầu, chóng mặt, kích động hoặc ngủ gà, viêm da, phát ban, mày đay, tăng enzym gan,...
Phòng bệnh nấm Candida đường sinh dục
Bên cạnh chữa bệnh thì phòng bệnh là việc làm hết sức quan trọng, chỉ những thói quen đơn giản sau, bạn có thể phòng được nấm Candida đường sinh dục:
- Không nên mặc đồ lót quá chật, nên dùng loại vải bông.
- Không nên tự tiện sử dụng xà bông, nước hoa, chất khử mùi.
- Vệ sinh vùng kín thường xuyên và đúng cách.
- Quan hệ tình dục an toàn, thủy chung một vợ một chồng.
Trên đây, tôi đã cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản và cần thiết về nấm Candida đường sinh dục. Ngoài ra, tôi cũng thông tin đến các bạn cách điều trị nấm candida sinh dục. Hi vọng những chia sẻ của tôi sẽ hữu ích với tất cả mọi người.
Xem thêm: