Siêu thị mỹ phẩm
Khoẻ Hơn, Đẹp Hơn

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh là gì? Nguyên nhân và cách chữa nấm miệng ở trẻ sơ sinh hiệu quả

3/2/2020 9:44:00 AM

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện khi hệ thống miễn dịch và sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện. Mặt khác, vấn đề chăm sóc răng miệng của trẻ sơ sinh khó khăn và không thường xuyên như người lớn. Vì thế tình trạng nấm miệng ở trẻ sơ sinh khá phổ biến và ba mẹ đang băn khoăn không biết sẽ điều trị nấm miệng cho bé như thế nào?
Bản thân tôi là một người mẹ và một người thầy thuốc, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về vấn đề này với mục đích để phòng ngừa cho chính con mình và giúp các ba mẹ có thể hiểu và xử lý tốt khi con gặp phải tình trạng nấm miệng.
Sau đây, tôi xin cung cấp cho các ba mẹ kiến thức về nấm miệng ở trẻ sơ sinh, chỉ ra nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả nhất để các bạn tham khảo.

nam-mieng-o-tre-so-sinh.jpg

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh là gì?

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh là bệnh do nấm Candida Albicans gây nên, đây là một loại nấm men thường có trong khoang miệng của trẻ. Loại nấm này sinh sôi nhanh chóng và gây bệnh cho vùng lưỡi, khoang miệng.
Nếu để lâu, nấm sẽ loang ra khắp lưỡi, làm mất vị giác, khiến trẻ biếng ăn, đau đớn, khó bú, bỏ bú và quấy khóc. Nếu nấm mọc dày có thể lan vào đường thở gây viêm phổi, nấm phổi, lan xuống dạ dày gây tiêu chảy rất nguy hiểm.

Nguyên nhân gây nấm miệng ở trẻ sơ sinh

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi (ĐH Y Hà Nội): “Nấm miệng là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em, thường xuất hiện khi hệ thống miễn dịch và sức đề kháng của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Hơn nữa, do trẻ ở lứa tuổi nhỏ nên rất khó chăm sóc sức khỏe răng miệng. Bên cạnh đó, việc cho trẻ dùng corticoid hít, hay xông trong dự phòng suyễn mà không súc miệng sau xịt, hay dùng kháng sinh kéo dài, suy dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân gây nấm miệng ở trẻ nhỏ.”
Ngoài ra, nấm miệng ở trẻ sơ sinh cũng có thể hình thành do:

  • Trong thai kỳ nếu người mẹ mắc các bệnh viêm âm đạo, nhiễm nấm âm đạo mà không điều trị dứt điểm có thể sẽ lây sang cho thai nhi. Khi mẹ sinh thường qua ngã âm đạo, nấm sẽ theo các chất dịch đi ra ngoài, tiếp xúc và lây trực tiếp sang cho con khiến con bị nhiễm nấm.
  • Nếu mẹ bị nhiễm nấm mà cho nuôi con bằng sữa mẹ cũng sẽ lây cho bé. Nếu không điều trị dứt điểm bệnh sẽ truyền qua truyền lại và dai dẳng khó điều trị dứt điểm.
  • Một nguyên nhân nữa, do khoang miệng của bé sẽ bị đóng cặn sữa sau khi bú, nếu không được vệ sinh thường xuyên, bệnh rất dễ lây lan phát triển.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị nấm miệng

Dấu hiệu của bệnh nấm miệng ở trẻ sơ sinh không khó để nhận ra nên ba mẹ chỉ cần chú ý một chút là có thể phát hiện ra:

  • Xuất hiện những mảng trắng trên bề mặt và có một số đường nứt nhỏ, hoặc có thể mọc ở lưỡi, niêm mạc miệng, mép.
  • Những đám màu trắng ngà mọc trên mặt lưỡi sau đó chuyển màu vàng nâu trên lưỡi hoặc cả vùng niêm mạc họng, thậm chí xuống vùng thanh môn và thanh quản.

nam-mieng-o-tre-so-sinh-1.jpg

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

  • Bệnh nấm miệng ở trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện sớm để điều trị sẽ khiến trẻ biếng ăn, bỏ ăn vì bị đau miệng, lâu dần dẫn tới suy dinh dưỡng. Tình trạng nặng còn làm cho bé bị đau rát cổ họng, ngứa ngáy khó chịu, kích thích hay bị nôn ói.
  • Nếu không chữa trị kịp thời, nấm miệng ở trẻ sơ sinh có thể lay lan xuống vùng niêm mạc họng, thậm chí xuống vùng thanh môn và thanh quản, hiếm hơn có thể xuống sâu trong phổi gây nguy hiểm cho đường hô hấp hoặc qua đường tiêu hóa xuống dạ dày gây tiêu chảy…

Có nhiều nguy cơ xảy ra do bệnh nấm miệng ở trẻ, vì thế ba mẹ cần chú ý đến răng miệng của con hơn.

Cách chữa nấm miệng ở trẻ sơ sinh hiệu quả

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy khuyến cáo: “Mặc dù chẩn đoán và điều trị nấm miệng không khó, tuy nhiên vẫn còn những trường hợp bị bỏ sót có thể gây diễn tiến bệnh nặng hơn. Một số trường hợp không phải là nấm miệng nhưng phụ huynh vẫn tự ý dùng thuốc kháng nấm cho trẻ trong thời gian dài, điều này không những không cần thiết mà còn gây nguy cơ viêm loét khoang miệng cho trẻ.”
Vì thế, khi thấy trẻ có dấu hiệu của nấm miệng, các bậc cha mẹ hãy đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết thêm: “Nấm miệng là bệnh gây ra do nấm nên chúng ta có thể điều trị tại chỗ cho trẻ bằng thuốc kháng nấm candida, đồng thời tăng cường vệ sinh răng miệng cho trẻ. Trong đó, Nystatin là thuốc hay được dùng để điều trị nấm miệng tại chỗ. Bên cạnh đó, miconazole dạng gel cũng là thuốc hay được dùng để điều trị nấm miệng ở trẻ. Đối với đa số trẻ em bị nấm miệng, chỉ cần dùng thuốc điều trị tại chỗ là có thể điều trị thành công. Chỉ một số hiếm trường hợp phải dùng thuốc uống tác dụng toàn thân như những trường hợp không đáp ứng thuốc kháng nấm bôi tại chỗ và đối với những bé bị suy giảm hệ miễn dịch.”

cach-chua-nam-mieng-o-tre-so-sinh.png

Hướng dẫn dùng thuốc chữa nấm miệng ở trẻ:

  • Trước tiên cần vệ sinh tay mẹ thật sạch sẽ, sau đó lấy miếng gạc miệng quấn quanh ngón tay (ngón tay để đánh tưa lưỡi phải có kích cỡ phù hợp độ rộng của miệng bé) và nhúng trong nước sôi để nguội để làm mềm miếng gạc miệng nhằm tránh cọ xát mạnh làm đau bé.
  • Dùng miếng gạc thấm thuốc chống nấm (loại thuốc nào nên nên được sự tư vấn từ bác sĩ, hiện nay thuốc chống nấm thường được sử dụng như là Nystatin hay Miconazole với liều lượng vừa đủ theo lứa tuổi của trẻ). Nếu nấm miệng xuất hiện ở nhiều nơi, nên đánh tưa theo thứ tự từ hai bên má, vùng khác trong vòm miệng và lưỡi sau cùng, từ ngoài vào trong để giảm thiểu nguy cơ nôn trớ của trẻ.
  • Quá trình đánh tưa lưỡi, miệng có thể kích thích gây nôn chớ nên thời điểm đánh tưa miệng tốt nhất là lúc trẻ đói, trước ăn.

Phòng ngừa nấm miệng ở trẻ sơ sinh

  • Khi cho trẻ ăn xong phải vệ sinh khoang miệng và lưỡi của trẻ đúng cách. Nên vệ sinh rơ lưỡi cho trẻ ngày 2 lần sáng và trước khi đi ngủ bằng nước muối sinh lý 0,9%.
  • Khi con bị nấm miệng và mẹ đã vệ sinh đúng cách nhưng không thấy đỡ, hãy đưa con đi thăm khám bác sĩ để có biện pháp điều trị tốt nhất. Tuyệt đối không tùy tiện cho con uống kháng sinh hay không rắc bất cứ các loại thuốc nào trên lưỡi của bé tránh gây viêm, loét lưỡi trẻ.

Trên đây, tôi đã trình bày cho các bạn những kiến thức cơ bản về nấm miệng ở trẻ sơ sinh, nêu ra nguyên nhân và triệu chứng của bệnh cũng như cách phòng tránh và chữa nấm miệng ở trẻ sơ sinh. Hi vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích với các bạn.

Xem thêm: Nấm Candida là gì? Nấm Candida có nguy hiểm không?

Tin tức nổi bật